Quảng cáo của Google

Monday, August 28, 2017

Làm thế nào để đòi được tiền khi giấy vay nợ viết tay và không ghi rõ hạn trả?

Câu hỏi: Tôi cho người hàng xóm vay 800 triệu đồng nhưng chỉ viết giấy tay và không ghi ngày trả nợ. Nhưng khi tôi đòi thì nguời hàng xóm không trả nợ còn thách tôi cứ đi kiện vì tòa án sẽ không bảo vệ do cho vay bằng giấy tay. Điều này có đúng hay không?
Do thấy người hàng xóm cần tiền làm ăn và hứa mỗi tháng trả lãi 1% (cao hơn lãi ngân hàng một chút) nên tôi cho vay. Ngoài giấy viết tay tôi cũng không giữ tài sản thế chấp nào của người này. Nếu tôi muốn kiện thì phải nộp đơn ở đâu? Liệu giấy tay trên có được tòa chấp nhận?

Làm thế nào để đòi được tiền khi giấy vay nợ viết tay và không ghi rõ hạn trả?


Với thắc mắc của bạn, luật sư giỏi xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo điều 471 Bộ luật dân sự thì hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Còn theo điều 401 Bộ luật dân sự:

1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định;
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó;
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, giấy vay tiền được lập giữa bạn và bên vay là phù hợp quy định của pháp luật về hình thức.
Việc bạn và người hàng xóm viết giấy vay tiền được xem như giữa hai bên đã giao kết hợp đồng vay tài sản và theo đó, phát sinh các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 474 – Bộ luật dân sự 2005. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1.Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác;
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận;
5.  Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ;

Điều 477 – Bộ luật dân sự 2005. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn

1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác;
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý;
Theo quy định trên thì bạn có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý. Việc báo trước một thời gian hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để trả nợ. Pháp luật không quy định thời gian thông báo hợp lý là bao nhiêu ngày mà thời gian này phụ thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng khoản vay và người vay cụ thể.
Trường hợp người vay không trả nợ thì bạn có quyền yêu cầu bên vay thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ này. Và nếu bên vay cố tình không thực hiện nghĩa vụ thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xét xử, bảo vệ quyền lợi của mình.
Do bạn và người hàng xóm ngụ cùng địa phương nên bạn có thể gửi đơn kiện đến TAND quận huyện nơi mình cư trú. Theo điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự, đơn khởi kiện của bạn phải đầy đủ các nội dung:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện.
+ Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện.
+ Tên, địa chỉ của người khởi kiện.
+ Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có.
+ Tên, địa chỉ của người bị kiện.
+ Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có.
+ Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Kèm theo đơn khởi kiện bạn có thể gửi các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp, nên bạn cần gửi giấy viết tay về việc vay nợ giữa hai bên trên đến tòa án để làm cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về Luật sư Hà Nội – công ty luật The Light.


Theo ĐSPL

No comments:

Post a Comment